Coronavirus, COVID-19: What You Can Do

Trẻ tăng động giảm chú ý và những biểu hiện bố mẹ cần biết

Trang chủ - Bạn có biết - Tâm lý - 9 tháng trước

Ngày nay số lượng trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý đang tăng lên đáng kể. Nhưng những biểu hiện về chứng tăng động giảm chú ý chưa được bố mẹ và người lớn trong gia đình để ý tới, chỉ cho tới khi trình trạng tăng động trở nên nặng hơn mới bắt đầu cho con đi khám và can thiệp thì cũng đã rất thiệt thòi cho con. Cùng theo Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh tại phòng khám Med247 chia sẻ về những dấu hiệu của một trẻ tăng động giảm chú ý bố mẹ cần biết nhé!

Trẻ tăng động giảm chú ý có biểu hiện gì?

Hầu hết trẻ em bình thường vẫn có những lúc có những hành vi bộc phát, nằm ngoài sự kiểm soát. Ví dụ: chúng có thể đột nhiên chạy quanh thật nhanh, liên tục như một ‘động cơ mô tô’, gây nên những tiếng ồn không nghỉ, không bình tĩnh đợi đến lượt của mình trong các tương tác, hay xô đổ tất cả mọi vật xung quanh… Vào những lúc khác, chúng có thể mơ màng, đãng trí, không thể tập trung vào bất cứ việc gì mình đang làm, hoặc không hoàn thành một công việc đang dang dở.

Tuy nhiên, đối với một vài trẻ, những hành vi như thế này đã trở thành những hành vi mang tính thường xuyên, với một mức độ nghiêm trọng hơn. Nó ảnh hưởng tới khả năng học tập và một cuộc sống bình thường của chúng.

Những đứa trẻ mắc chứng thường gặp rắc rối trong quan hệ với anh chị em trong gia đình và với cả những trẻ khác ở trường, hàng xóm, hay ở những nơi sinh hoạt công cộng. Những trẻ có vấn đề về khả năng tập trung chú ý thường đi liền với việc gặp khó khăn trong học tập. Sự thôi thúc, hấp tấp không cưỡng lại được (một đặc trưng của chứng tăng động giảm chú ý) có thể làm chúng gặp những rắc rối, hay nguy hiểm cho bản thân. Bởi những đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi bản thân. Nên dưới con mắt mọi người chúng thường bị cho là ‘những đứa trẻ hư’ hay ‘những đứa trẻ xấu’.

Trẻ tăng động giảm chú ý thường bị nhầm lẫn với trẻ nghịch ngợm đơn thuần
Trẻ tăng động giảm chú ý thường bị nhầm lẫn với trẻ nghịch ngợm đơn thuần

Tăng động giảm chú ý là gì?

Là sự rối loạn chức năng hoạt động – hiếu động thái quá và giảm khả năng tập trung chú ý.

Là một hội chứng của não, gây khó khăn cho trẻ và người lớn trong việc kiểm soát những hành vi cá nhân. Đây là một trong những hội chứng mạn tính (kinh niên) phổ biến nhất thường mắc phải ở thời thơ ấu. Hiện nay tăng động giảm chú ý ảnh hưởng tới khoảng 4 – 12% trẻ trong độ tuổi đến trường, với tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn từ 3 – 4 lần ở bé gái.

Biểu hiện của trẻ tăng động giảm chú ý
Biểu hiện của trẻ tăng động giảm chú ý

Triệu chứng, biểu hiện của trẻ tăng động giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý không chỉ là hội chứng ảnh hưởng trực tiếp tới những trẻ mắc phải, mà cả những người sống xung quanh chúng. Nếu không chữa trị kịp thời ngay khi phát hiện ra hội chứng này thì những triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ phát triển và sẽ dẫn đến những vấn đề trầm trọng khác, ảnh hưởng tới cả cuộc đời của trẻ, như kết quả học tập yếu kém ở trường, gặp rắc rối với pháp luật, thất bại trong quan hệ, tương tác xã hội, và mất khả năng duy trì một công việc.

Tăng động giảm chú ý bao gồm 3 nhóm triệu chứng hành vi: thiếu chú ý, hiếu động thái quá và dạng phồi hợp – tăng động giảm chú ý. Bảng dưới đây giải thích các triệu chứng này.

Triệu chứngCách trẻ cư xử
Giảm chú ý

 

Thường dễ dàng bị chia trí bởi các kích thích bên ngoài.
Thường có vẻ không lắng nghe người khác nói chuyện trực tiếp.
Thường khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong công việc hoặc trong vui chơi.
Thường không thể tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập, làm việc hoặc trong các hoạt động khác.
Thường không tuân theo những hướng dẫn hoặc không thể hoàn tất bài vở ở trường, công việc nhà, hoặc các trách nhiệm nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hoặc không có khả năng hiểu những hướng dẫn).
Thường khó khăn khi tổ chức các công việc và các hoạt động.
Thường để thất lạc những vật dụng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút chì, sách vở, và các dụng cụ).
Thường quên làm các công việc hằng ngày.
Thường né tránh, không thích, hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần liên tục (như làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà).
Tăng độngThường luôn di chuyển hoặc hành động như thể “đang lái môtô”.
Thường rời bỏ chỗ ngồi trong lớp học hoặc trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên.
Tay chân ngọ nguậy, ngồi không yên.
Thường nói quá nhiều.
Thường chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp (ở thiếu niên và người lớn, điều này có thể giới hạn ở mức đương sự có cảm giác bồn chồn chủ quan).
Thường khó tham gia những trò chơi hoặc hoạt động giải trí cần phải giữ yên lặng.
Xung độngThường hành động và nói năng không suy nghĩ
Chạy băng qua đường không sợ nguy hiểm
Thường khó chờ đợi đến phiên mình.
Không có khả năng chờ đợi mọi thứ
Thường buột miệng trả lời khi người khác chưa hỏi xong.
Thường làm gián đoạn hoặc quấy rầy người khác (xen vào các cuộc nói chuyện hoặc các trò chơi).

Có cách điều trị tăng động giảm chú ý hiệu quả. Nếu con của bạn bị tăng động giảm chú ý, Bác sĩ Nhi Khoa Phát Triển Hành Vi và các chuyên gia tâm lý có thể đưa ra một kế hoạch điều trị dài hạn để giúp con của bạn sống hạnh phúc và khỏe mạnh. Là cha mẹ, bạn có một vai trò rất quan trọng trong việc điều trị này.

Cùng xem video dưới đây để phân biệt đâu là trẻ nghịch ngợm đơn thuần và đâu là trẻ tăng động:

Đánh giá nguy cơ tăng động giảm chú ý ở trẻ qua bài test nhanh: CLICK NGAY.

Tài liệu tham khảo: https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/adhd/Pages/Understanding-ADHD.aspx

logo-zalo-vector Chia sẻ trên Zalo