Chứng trầm cảm ở người trưởng thành và biện pháp chữa lành
Theo thống kê đến năm 2021 của Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam hiện có khoảng 30% dân số mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm 25%. Hàng năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta cũng có con số đáng kinh ngạc. Chứng trầm cảm ở người trưởng thành đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Chứng trầm cảm ở người trưởng thành
Theo ThS. Minh Trang – Chuyên gia tâm lý tại phòng khám Med247, các số liệu khoa học hiện nay cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn nam giới. Một trong những loại trầm cảm phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt là sau khi mang thai, là trầm cảm sau sinh. Có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn này như: Bắt nguồn từ yếu tố sinh học – chất dẫn truyền thần kinh, hormone/nội tiết; Yếu tố di truyền; Yếu tố tâm lý xã hội; hoặc cũng có thể do ảnh hưởng của các chất kích thích.
Lý giải về tỷ lệ trầm cảm gia tăng, ThS. Minh Trang chia sẻ, vấn đề xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố: kinh tế, văn hóa, sức khỏe hay gia đình. Trong số đó, sự kiện đối với toàn xã hội là dịch bệnh, cũng ảnh hưởng đến các thành phần của toàn xã hội.Thêm một yếu tố nữa, trầm cảm cũng có mối liên hệ ngầm tới truyền thông. Ths. Minh Trang chia sẻ thêm, có được nhận định này là bởi truyền thông có tính hai mặt và biểu hiện rất rõ ràng, có thể bày tỏ rõ quan điểm tích cực hay tiêu cực khi cung cấp thông tin tới người đọc. Môi trường mạng xã hội cũng là nơi mỗi người chúng ta được tự do ngôn luận, đưa ra ý kiến tích cực hay tiêu cực với những thông tin chúng ta nhận được.Vậy nên truyền thông sẽ quyết định cách mà những thông tin đó truyền tải tới người đọc, đặc biệt là người trầm cảm như thế nào.
Trong chương trình Med Talks, TS Nguyễn Bá Đạt chia sẻ thêm những thông tin về vấn đề trầm cảm đang được công chúng đặc biệt quan tâm hiện nay và nhấn mạnh vào quá trình hồi phục sau trầm cảm. Theo TS Bá Đạt, trong văn hóa phương Đông, hầu hết mọi người đều tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè khi họ gặp các triệu chứng trầm cảm. Chỉ một bộ phận nhỏ người dân, hoặc người bệnh nặng mới tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ và chuyên gia tâm lý.
Ở người trưởng thành, trầm cảm được chia thành hai loại chính, bao gồm trầm cảm điển hình hoặc lưỡng cực; và trầm cảm do rối loạn khác. Đặc biệt, trầm cảm điển hình hoặc lưỡng cực có các tình trạng bệnh lý cụ thể mà nhiều người quen thuộc, chẳng hạn như trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm sau sinh. Loại thứ hai, trầm cảm là hậu quả của một rối loạn khác, có thể do những tổn thương về mặt tâm lý, bệnh hiểm nghèo, căng thẳng mãn tính hoặc cũng có thể là triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới.
LGBT và chứng trầm cảm
Một vấn đề nữa cũng được mọi người đặt câu hỏi đó là chứng trầm cảm đối với người LGBT – Một cộng đồng đa dạng giới tính. Điều đặc biệt, ở những thời buổi đầu khi cộng đồng LGBT mới được thành lập đã có nhiều người phân biệt đối xử và họ phải chịu nhiều áp lực tới từ xã hội, gia đình và người thân xung quanh. Tuy nhiên những người trong cộng đồng này cũng thường có hành vi tự kỳ thị bản thân và từ những yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh đã dẫn đến biết bao trường hợp người LGBT mắc chứng trầm cảm. TS. Bá Đạt cho hay, đối với nhóm cộng đồng này, họ mất niềm tin vào mối quan hệ xã hội và trở nên khép kín, sống thận trọng và khó tin tưởng người khác, ngay cả những nhà trị liệu. Xu hướng bỏ dở liệu trình trị liệu của họ là rất cao, vậy nên đây là nhóm cộng đồng cần được đối xử công bằng và quan tâm đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn.
Biện pháp chữa lành dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý
Về vấn đề chữa lành ( được giới trẻ gọi là Healing), TS Bá Đạt đưa ra những quan điểm theo góc nhìn đa chiều của một người làm về tâm lý. Theo ông tự chữa lành có thể nhìn nhận qua quá trình cá nhân tự mình vượt qua trầm cảm (tự chữa lành), có thể xét theo sự thành công của quá trình liệu pháp tâm lý. Tự chữa lành là một quá trình chuyển hoá bên trong của từng cá nhân, mà ở đó họ chủ động nhìn nhận và điều chỉnh thái độ, cảm xúc, hành vi bằng các hoạt động để mở rộng tâm trí, cởi mở và tiếp nhận, tha thứ, yêu quý bản thân và người khác. Với quá trình điều trị có sự trợ giúp của chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp cá nhân biến đổi hoặc chữa lành lại bản thân mình. Quá trình này sẽ dựa vào các yếu tố như triết lý, kinh nghiệm và quy trình tham vấn – trị liệu của những nhà chuyên môn.
Giải pháp cho người trưởng thành mắc chứng trầm cảm
Để giảm thiểu tình trạng trầm cảm ở người lớn phát sinh, dưới đây là một vài giải pháp cụ thể đến từ Ths. Đỗ Minh Trang và TS. Nguyễn Bá Đạt.
Đối với những người có tình trạng sức khỏe tinh thần bất ổn, cần chú ý đến những dấu hiệu của bản thân như:
- Cảm xúc lên xuống thất thường
- Sự xuất hiện của những suy nghĩ, lời nói tiêu cực
- Thậm chí cả những giấc mơ bởi đây là triệu chứng lâm sàng, phản ánh những xung đột nội tâm và những trăn trở thầm kín của cá nhân về cuộc sống thực tại
Và nếu như bạn đang cảm thấy bản thân mình có dấu hiệu bất ổn về tâm lý dù là nặng hay nhẹ, hãy tìm gặp chuyên gia để có hướng điều trị sớm và đúng nhất.
Đánh giá mức độ trầm cảm qua bài test nhanh:
- Bài 1: CLICK NGAY
- Bài 2: CLICK NGAY
- Bài 3: CLICK NGAY
- Bài 4: CLICK NGAY